Sơn ta lấy từ cây sơn được trồng nhiều ở Phú Thọ, trong quá trình lấy sơn ta người lấy sơn rất dễ bị sơn ăn. Hơn nữa sơn ta còn phụ thuộc vào thời tiết, lúc khô ráo thì lâu khô, thời tiết có độ ẩm cao thì lại nhanh khô, ngoài ra sơn ta còn có một hạn chế là màu sắc của sơn không đa dạng như sơn Nhật bởi sơn ta thường có những màu chính như đỏ cánh gián, đen…
Sơn Nhật dễ sử dụng hơn vì nó rất nhanh khô và có thể sử dụng trong mọi môi trường, thời tiết và màu sắc rất đa dạng. Cũng vì lẽ đó mà sơn ta đang dần bị mai một, để tìm được những tác phẩm sơn mài dùng bằng sơn ta quả là rất ít.
Xét về yếu tố nghệ thuật thì sơn ta vẫn được ưa chuộng hơn sơn Nhật bởi sự công phu trong quá trình thực hiện và khi hoàn thành. Tác phẩm của sơn ta mang một vẻ đẹp sâu thẳm và sắc nét hơn sơn Nhật và các loại sơn khác.
Sơn Nhật mặc dù màu sắc đa dạng hơn sơn ta nhưng tác phẩm của sơn Nhật không được mượt mà, sắc nét mà trở nên cứng, khô khan, không có hồn bằng sơn ta. Đó cũng chính là lý do người ta ưa chuộng những tác phẩm dùng sơn ta hơn.
Tranh sơn mài, bát đĩa sơn mài, hay những đồ vật sơn mài đều mang vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt, mỗi tác phẩm sơn mài đều mang một nét độc đáo. Bởi quá trình để tạo ra một bức tranh sơn mài khác hẳn với các loại tranh khác.
Quá trình vẽ tranh sơn mài từ trên nền vóc( tấm gỗ được hom, bó, sơn phủ sơn ta), sau đó nghệ nhân sẽ gắn những lớp vỏ trứng, trai và những màu được pha với sơn ta sơn chồng lên kèm theo những công đoạn rắc thếp vàng, bạc rồi ủ trong môi trường ẩm cho sơn mau khô sau đó mới đem mài tạo nên một tác phẩm sơn mài hoàn chỉnh. Cũng chính vì vậy mà mỗi tác phẩm sơn mài đều có màu sắc rất riêng, rất có hồn, có sự ẩn hiện của màu sắc khiến cho mỗi tác phẩm mang một ý nghĩa nghệ thuật riêng biệt.