Dưới đây là những đặc điểm về sơn mài của Nhật và sơn mài Việt Nam.
Từ thế kỷ 7-8 người Nhật đã biết khai thác công dụng trang trí và bảo quản đồ vật của sơn mài, cho đến ngày nay sản phẩm sơn mài trở thành sản phẩm mỹ nghệ của đất nước họ.
Ở Nhật Bản, trong kỹ thuật sơn mài họ chú trọng vào cách rắc sơn mài với những mảnh rắc nhỏ bằng vàng, bạc và các chất phụ gia khác. Sơn mài hảo hạng được rắc vàng, bạc, rắc lúc dày, lúc mỏng, nhiều lúc giống vỏ quả lê, đôi khi được khảm vỏ hàu, sò, ốc…tạo nên màu sắc và hình ảnh rất đẹp , đây cũng là nét khác biệt của sơn mài Nhật so với sơn mài Việt Nam.
Sử dụng trong đồ sơn mài Nhật có 3 loại là “Sơn Urushi”, “Sơn Cashew” và “Sơn Urethane”, nhưng chất liệu chính trong sơn mài là cây sơn urushi- thuộc họ sơn Rush Verniciflua mọc khắp đất nước Nhật. Sơn urushi có độ bóng đẹp và độ bền cao nhưng mùi đặc thù của sơn Urushi sẽ khiến bạn không thích ngay. Sơn cashew và urethane là 2 loại sơn từ nhựa cây tổng hợp bao gồm cả thành phần ngoài thành phần thiên nhiên. Sử dụng 2 loại sơn này tuy độ cao cấp của chất liệu và thẩm mỹ không bằng sơn mài urushi nhưng lại có ưu điểm là giá thành rẻ, chống tia được tử ngoại và sấy khô nhanh, lại dễ mua.
Cây sơn mài urushi là nguyên liệu tạo màu chính, nó là một loai chất độc, khi chưa khô gây kích ứng da và có thể gây bỏng khi tiếp xúc trực tiếp. Sau khi lấy về, nhựa cây sơn này sẽ được lọc sạch rồi tách nước sau đó cho chất nhuộm màu vào thành một hợp chất bảo quản bền và ổn định.
Sơn mài ở Nhật được sử dụng trên đồ da thuộc, đá, rổ rá đan, tre, gỗ gốm sứ, giấy, kim loại…ngày nay còn được dùng trên thủy tinh…khiến đồ sơn mài đa dạng phong phú.
Sơn mài Nhật có 3 phương pháp tạo họa tiết là sơn vàng mặt phẳng, sơn vàng mài bóng, sơn mài nổi. Họa tiết thường là những cây cỏ 4 mùa có liên quan đến thơ ca, hay những mô típ trong tiểu thuyết Truyện Genji, coi trọng sự thay đổi của mùa như thế này chính là ý thức vẻ đẹp mang tính cổ điển của con người Nhật Bản.
Sơn mài Việt Nam sử dụng chất liệu sơn ta -một loại cây lấy nhựa được trồng nhiều ở Phú Thọ, nhựa cây sơn ta rất độc, khi chạm vào da sẽ bị “sơn ăn”. Ngài ra sơn mài còn sử dụng các chất màu trong tự nhiên như son, vàng, bạc, xà cừ, vỏ trứng,… vẽ trên nền vóc màu đen đem lại sự cảm thụ độc đáo mà các chất liệu công nghiệp không thể sánh bằng.
Khi dùng sơn ta, tranh phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều. Khi thời tiết có độ ẩm cao thì sơn càng nhanh khô, nếu thời tiết có độ ẩm thấp thì sơn rất lâu khô. Do vậy, sơn ta ít khi được dùng tại các nước có khí hậu khô ráo. Nhưng màu của sơn ta lại có độ trong xanh, sâu thẳm khác với màu của sơn mài Nhật.
Tính truyền thống của nghệ thuật sơn mài trước hết là ở khâu chế biến nhựa sơn qua các công đoạn nghiêm ngặt và khả năng ứng dụng sơn ta vào tác phẩm của mỗi người như thế nào.
Ngoài ra tính truyền thống còn được thể hiện ở nội dung và phong cách tạo hình của chủ đề, đây cũng chính là bản lĩnh sáng tác của nghệ nhân. Nhìn một tác phẩm sơn mài ta có thể thấy được khả năng biểu cảm nghệ thuật của nghệ nhân thông qua phong cách trong bố cục, trong việc xây dụng hình tượng điển hình và trong bút pháp, màu sắc mà họ diễn tả.
Săn phẩm sơn mài Việt Nam tái hiện cuộc sống của cha ông từ bao đời nay với đức tính cần cù, chịu khó, yêu quê hương đất nước. Những bức vẽ cây đa, tre làng, mái đình hay những con sông, những canhs buồm, những ngày hội…được tái hiện trong tranh sơn mài tạo nên chất quê ngọt ngào của người Việt.
Sơn mài Việt Nam có nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc,…song dù là thể hiện bằng phương pháp nào cũng đều mang bản sắc văn hóa Việt.