“Sơn mài” hay “tranh sơn mài” là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam được phát triển từ nghề sơn truyền thống Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài.
Đồ sơn mài hay tranh sơn mài thường sử dụng những vật liệu màu truyền thống như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, v.v. vẽ trên nền vóc màu đen. Để hoàn thành một tác phẩm sơn mài đều phải trải qua 3 giai đoạn: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng.
Đây cũng là điểm khác biệt của tranh sơn mài, công đoạn bó hom vóc sử dụng giấy bả được chế từ gỗ dó nên rất dai và có độ bền vững hơn vải, sau đó người ta sẽ hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ lại bằng đất phù sa hay bột đá, sau đó để gỗ khô rồi mới sơn cả 2 mặt. Công đoạn này nhằm bảo vệ tấm vóc không bị ngấm nước, không bị mối mọt, không phụ thuộc vào môi trường làm gỗ co ngót, vì vậy mà mỗi tác phẩm sơn mài thường có tuổi thọ từ 400-500 năm.
Tranh sơn mài dùng sơn ta làm màu vẽ và cũng làm chất kết dính đặc biệt dù kết hợp với các chất liệu khác như vàng dát mỏng, bạc quỳ, bạc thiếc, vỏ trứng, vỏ ốc, vỏ trai…vẫn tạo ra sự kết hợp nhuần nhuyễn hài hòa cho bức tranh khiến người xem không thể cưỡng lại được sức hút của nó.