Sinh ra và lớn lên ở vùng thôn quê Sơn Tây (Hà Nội), cách làng cổ Đường Lâm 3km, nên họa sĩ Nguyễn Tấn Phát rất yêu làng quê Việt Nam, đặc biệt hình ảnh con trâu.
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: “Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội và đón năm mới Tân Sửu 2021 nên tôi quyết định làm 1010 con trâu. Tháng 10/2020 tôi mới bắt tay làm nên thời gian rất gấp gáp. Đến nay, tôi đã làm được hơn 400 con”.
Trâu được trưng bày trong những ngôi nhà cổ trăm tuổi ở làng cổ Đường Lâm để du khách khi đến đây có thể chiêm ngưỡng, hoặc mua về trưng bày. Đây là cách mà họa sĩ Nguyễn Tấn Phát bày tỏ lòng tri ân với mảnh đất quê hương và mang đến sức sống mới cho hoạt động du lịch ở làng cổ Đường Lâm.
Anh Phát vừa làm trâu vừa bán để có kinh phí tái sản xuất. Anh cũng cho biết, mục đích làm ra 1010 con để mọi người thưởng thức, có nhiều lựa chọn chứ không phải để khoe khoang hay lấy thành tích.
Là một họa sĩ nên anh Phát không gặp khó khăn khi phải lên ý tưởng cho 1010 mẫu trâu khác nhau. Thậm chí, đối với anh, làm 2 con trâu giống nhau còn khó hơn làm 2 con khác nhau.
“Khi thiết kế, tôi chỉ thay đổi một chút và trang trí hoa văn khác thì nó đã là con khác rồi. Ngoài khả năng sáng tác mẫu và điêu khắc tượng thì tôi còn làm được sơn mài nên tạo được mẫu mã đa dạng không khó”, Họa sĩ Nguyễn Tất Phát nói.
Trong bộ sưu tập 1010 con trâu này, anh Phát chia thành các nhóm với những ý nghĩa và chủ đề riêng để tạo tác: Nhóm “Trâu thực” là những con trâu thuần nông không gửi gắm nhiều thông điệp, nhưng nhìn rất ngộ nghĩnh, đáng yêu; “Trâu cổng làng” – gắn với hình ảnh làng quê Việt Nam; “Trâu hóa rồng” – gửi gắm những hy vọng trong năm Sửu bởi năm Tý đã quá vất vả với cả nhân loại.
Trên các con trâu có khắc các hoa văn cổ của Việt Nam nhằm giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống.
Tất cả trâu được làm từ gỗ mít, đây là 1 chất liệu truyền thống để làm sơn mài rất thân thiện cho người dùng. Nhìn thoáng qua, nhiều người dễ lầm tưởng trâu được làm từ đất nung.
Để biến 1 khúc gỗ vô tri thành 1 bức tượng nghệ thuật phải trải qua rất nhiều bước. Ban đầu là phác thảo ý tưởng ra bản vẽ, nặn thử bằng khuôn đất. Bởi khi nặn khuôn đất thì có thể điều chỉnh hình dáng dễ dàng. Sau khi khuôn bằng đất ưng ý mới tiến hành đục trên gỗ, sau đó dát vàng, bạc, phủ màu…
Hầu hết các tượng sơn mài anh Phát đều khảm trai. Năm 2017, anh được công nhận là nghệ nhân sơn mài khảm trai: “Tôi tận dụng các sản phẩm bỏ đi như: Vỏ trứng, vỏ trai để khảm lên các sản phẩm của mình, như một cách để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường”.
Ngoài làm những hình tượng con trâu mang tính thẩm mỹ, anh Phát còn tạo tác để con trâu đó có thể đựng những đồ vật nhỏ trong nhà: “Tôi muốn con trâu đó cũng mang vác đồ đạc, những kỷ vật của con người”, anh Phát chia sẻ.
Hà Hiền