X

Du lịch Làng cổ Đường Lâm 1 ngày

Nằm cách Hà Nội hơn 50km, Làng Cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, Hà Nội là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Đây là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006. Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có thể nói làng cổ Đường Lâm chỉ đứng sau phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội về quy mô cũng như giá trị nghệ thuật khiến cho nơi đây trở thành một điểm nhấn du lịch của Hà Nội. Ngoài ra, đây còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi duy nhất “một ấp hai vua” – nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền nên nơi đây còn gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa Nho học khiến du khách ai cũng một lần muốn ghé qua.

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu và hướng dẫn các bạn đi thăm quan Làng Cổ Đường Lâm trong ngày, cũng như chia sẻ các thông tin bổ ích về điểm du lịch này.

Làng Cổ Đường Lâm nằm ở đâu?

Đường Lâm là một xã thuộc Sơn Tây, Hà Nội, nằm bên bờ phía Nam sông Hồng, cạnh quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với đường Hồ Chí Minh. Phía Tây và Tây Bắc, Đường Lâm giáp xã Cam Thượng (Cam Giá Thượng), huyện Ba Vì; phía Tây Nam giáp xã Xuân Sơn; phía Nam giáp xã Thanh mỹ; phía Đông Nam giáp phường Trung Hưng, phía Đông giáp phường Phú Thịnh của thị xã Sơn Tây; Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc, ranh giới chính là sông Hồng.

Chính vì vị trí thuận lợi như vậy nên di chuyển từ Hà Nội tới Làng cổ Đường Lâm có thể nói là rất dễ dàng.

Lịch sử Làng Cổ Đường Lâm

Đường Lâm, tên nôm na gọi là Kẻ Mía. Tục danh này bắt đầu từ cái tên Cam Giá (mía ngọt). Cam Giá xưa được chia thành hai tổng: Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ, trong đó Cam Giá Thượng là các xã thuộc miền Cam Thượng, Thanh Lũng, Bình Lũng… (nay thuộc huyện Ba Vì); Cam Giá Hạ là xã Đường Lâm ngày nay. Vào đầu thế kỷ XIX, Đường Lâm là nơi đặt sở lỵ của trấn Sơn Tây. Khu vực làng cổ hiện nay địa giới vốn thuộc các làng Sàng Mông Phụ, Đông, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm nằm cạnh nhau. Các làng này nối liền với nhau thành một khu vực nên có phong tục, tập quán, tín ngưỡng giống nhau.

Đây là quê hương của nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Chúa Mía (vương phi của Chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại (Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 4 nhiệm kỳ), Hà Kế Tấn (Bộ trưởng Bộ Thủy lợi 1964-1973), Phan Kế An (Họa sĩ vẽ tranh biếm họa của báo Sự thật)…

Kiến trúc Làng Cổ Đường Lâm

Ngày nay, làng cổ Đường Lâm vẫn còn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, điếm canh, giếng nước, ruộng, gò, đồi, miếu, chùa…

Cổng làng cổ nằm ở làng Mông Phụ, quay về hướng Đông Nam, là một ngôi nhà hai mái nằm ngay trên đường vào làng, bên cạnh là cây đa hơn 300 tuổi, bến nước, ao sen… tạo ra một cảnh quan nguyên vẹn hiếm có tính đến thời điểm hiện nay.

Từ cổng làng đi vào làng trên những con đường lát gạch sạch sẽ, đi giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm khiến cho du khách cảm nhận được sự ấm cúng, bình yên của ngôi làng.

Đường xá được xây dựng theo hình xương xá với nhiều đường ngõ nhỏ với đình làng Mông Phụ là khu vực Trung tâm, với cấu trúc này nếu đi từ đình ra sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Cấu trúc này cũng tạo ra một không gian rộng lớn ở trung tâm làng, là nơi giao lưu văn hóa, diễn ra các lễ hội truyền thống vào các ngày Lễ, Tết… Và cấu trúc này cũng khiến cho cư dân trong làng có môi trường sống an toàn.

Làng cổ Đường Lâm có tổng cộng 956 ngôi nhà cổ, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu đời, từ những năm 1649, 1703, 1850… đều được xây dựng bằng loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài là: đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa,…

Nhà thường được xây dựng với mô hình 5 gian hay 7 gian 2 dĩ, gắn liền với nhà là sân, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước, chuồng trại, bình phong, cao, cây rơm, cổng có mái che…

Ngoài ra làng cổ Đường Lâm còn có một hệ thống các nhà thờ họ, miếu, quán đình, chùa, giếng cổ… nằm trong một môi trường cảnh quan sinh động và trù phú đã tạo thành một điểm nhấn thú vị cho vùng đất Sơn Tây và Hà Nội.

Hướng dẫn đi ĐƯỜNG LÂM

Với vị trí gần đường quốc lộ và cách Hà Nội chỉ khoảng 50km, nên có nhiều cách di chuyển đến Đường Lâm trong ngày.

Xe bus

Các bạn có thể đến Đường Lâm bằng các tuyến xe bus sau:

  • Từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Sơn Tây các bạn đi xe bus tuyến số 71, giá vé 14k.
  • Từ bến xe Kim Mã đến bến xe Sơn Tây, tuyến số 70.
  • Từ bến xe Hà Đông đến bến xe Sơn Tây: tuyến số 77.

Đến bến xe Sơn Tây các bạn bắt xe ôm hoặc taxi đi vào Làng cổ. Taxi Sơn Tây: 04. 3362 6262.

Xem thêm: Kinh nghiệm Du lịch Chùa Hương

Phương tiện tự túc

Từ Hà Nội việc đi xe máy, xe đạp hoặc ô tô đến Đường Lâm rất đơn giản và dễ dàng. Có hai đường đi để các bạn có thể lựa chọn:

  • Từ Hà Nội đi theo Đại lộ Thăng Long đến ngã ba Hòa Lạc thì rẽ phải, theo đường 21, đi qua Sơn Lộc đến ngã tư giao nhau với đường 32 thì có biển chỉ dẫn vào Làng cổ Đường Lâm.
  • Từ Hà Nội đi về phía Nhổn, theo đường 32 lên đến thị xã Sơn Tây, đến ngã tư giao nhau với đường 21 sẽ có lối rẽ vào cổng làng Đường Lâm ở bên tay trái đường.

Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn thì cứ đến thị xã Sơn Tây hỏi đường vào Đường Lâm thì ai cũng có thể chỉ cho bạn được.

Du lịch Làng Cổ Đường Lâm

Cổng làng Mông Phụ

Nét cổ nhất của Đường Lâm nằm ở kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Cổng làng hội tụ bao lớp lang văn hoá với kiến trúc vòm, lớp đá ong cổ. Vốn dĩ làng có tới 5 cổng, một cổng lớn và 4 cổng trấn tứ phương. Hiện tại chỉ còn sót lại cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ năm 1833, trên còn tựa dòng chữ “thế hữu hưng ngơi đại”, tạm hiểu là “thời nào cũng có người tài giỏi”.

Đình làng Mông Phụ

Đình Mông Phụ đã có cách đây gần 380 năm, mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt – Mường: đình có sàn gỗ cách mặt đất, mô phỏng kiểu kiến trúc của nhà sàn. Có thể nói đây là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc, những nét tài hoa có một không hai ấy còn được lưu giữ trên những bức trạm cốn và đầu dư… Tinh vi trong từng nhát đục, song cũng cực kỳ tinh tế trong quy hoạch tổng thể mang tính vĩ mô.

Có truyền thuyết kể rằng: Đình Mông phụ đặt trên đầu một con rồng mà giếng làng là hai mắt. Trước cửa đình là một cái sân rộng, sân này là nơi biểu diễn các trò khi làng vào đám. Sân đình đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh, có vẻ như là một nghịch lý so với kiến trúc hiện đại, song thực ra đó lại là một dụng ý của người xưa. Khi mưa xuống, nước từ ba phía ào ạt đổ vào sân đình (nước chảy chỗ trũng), ẩn ý cho khát vọng về một đời sống ấm no. Sau đó nước từ từ thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo nách đình (chống thủy lôi tâm), từ xa nhìn lại, trong mưa hai rãnh nước vẽ nên hai râu rồng vừa thật lại vừa ảo, quả thật là một ý tưởng hết sức lãng mạn của các kiến trúc sư cổ…

Không chỉ thế, sân đình còn là một cái “ngã sáu” khổng lồ, xoè ra như những cánh hoa, quy tụ mọi con đường trong làng về trung tâm. Sự kỳ diệu về địa thế và kiến trúc đó khiến cho người làng có thể từ đình đi đến bất cứ xóm nào trong làng mà không ai trực tiếp quay lưng lại với hướng đình.

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh

Nằm trong trung tâm của quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm, di tích Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh đang trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách trong và ngoài nước. . Di tích được xây dựng từ đời Tự Đức để thờ Thám hoa Giang Văn Minh (1573 – 1637), người được vua Lê Thần Tông cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông đã dũng cảm đối đáp để bảo vệ danh dự dân tộc trước sự xúc phạm của vua Minh. Nhà thờ được người trong họ xây bằng gạch thời tự Đức (1847-1883), kiến trúc theo kiểu chữ “nhị”, mặt quay về hướng Nam.

Hiện trông coi, hương khói tại ngôi đền là hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Giang – ông Giang Văn Kế.

Các ngôi nhà cổ

– Nhà của ông Hà Nguyên Huyến: Là di tích được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngôi nhà gây ấn tượng mạnh cho khách tới thăm bởi màu xanh cây cối. Vốn có nghề nấu tương, ông Huyến dành hầu hết diện tích sân làm nơi chế biến. Các vại tương màu nâu trầm xếp hàng đều tăm tắp trên khoảng sân gạch.

Là người đam mê chữ Hán nên ông Huyến trang trí nhà cửa bằng các câu đối có nét chữ đẹp mắt. Các vật dụng nhỏ như điếu bát, ấm chén sứ, đèn dầu… trong nhà làm bật lên được tính cách tinh tế, hoài cổ của chủ nhân.

– Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng: cũng được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngay khi đến thăm, du khách sẽ ngạc nhiên trước chiếc cổng được xây dựng theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính và lối vào rợp bóng bởi cây tơ hồng.

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, chủ yếu bằng gỗ mít và gỗ lim nhưng những nét chạm trổ tinh hoa trên cửa từ thời Hậu Lê vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 chái, 3 gian giữa là nơi thờ cúng tổ tiên, thêm bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. Hai gian bên cạnh dùng làm nơi ngủ.

– Nhà cổ của chị Dương Lan: được xây từ năm 1780, lại không phải là nhà cổ dân sinh. Ngôi nhà vốn thuộc về cụ tổ chồng chị là quan đốc học Đỗ Doãn Chính. Bục cửa được thiết kế rất cao khiến cho người vào nhà đều phải cúi rạp mình khi bước qua. Chị Lan lý giải, bục cửa xây cao như vậy là để nhắc nhở khách đến nhà phải luôn nhớ kính trọng một vị quan, một người thầy.

Trong nhà có những đồ trang trí như hình chiếc sừng chỉ có trong nhà của những người đỗ đạt làm quan. Nhà cổ có ưu điểm mùa hè mát còn mùa đông ấm. Ngoài ra, không gian thoáng đãng và khả năng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cũng là điểm mạnh của nhà cổ Đường Lâm.

Giếng cổ Đường Lâm

Giếng cổ Đường Lâm, nơi xưa kia được dân làng thường xuyên sử dụng cho mục đinh sinh hoạt công cộng hàng ngày. Trước đây được xây chủ yếu bằng chất liệu đá ong và vữa nhưng nay một số đã được tu sửa lại bằng xi măng và gạch.

Đền thờ Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương)

Phùng Hưng là thủ lĩnh nghĩa quân khởi nghĩa vào tháng 4 năm Tân Mùi (791) chống lại ách đô hộ khắc nghiệt của nhà Đường. Ông làm tổng chỉ huy, chia quân làm 5 mũi, do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bố Bá Cần chỉ huy tiến đánh bao vây Thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Tên đô hộ Cao Chính Bình cùng 4 vạn quân đã ra sức chống cự, nhưng sau 7 ngày đã bị thất bại nặng nề. Quân địch bị tổn thất, Cao Chính Bình vì lo sợ mà sinh bệnh rồi chết. Sau khi chiếm được thành, Phùng Hưng tổ chức lại việc cai trị và xây dựng quyền tự chủ lâu dài. Ông coi chính sự được 7 năm rồi mất.

Đền thờ Phùng Hưng được lập ở nhiều nơi, trong đó ở Đường Lâm đền thờ có quy mô lớn nhất nhưng chưa rõ niên đại xây dựng. Tuy nhiên việc đền thờ có hình dáng như ngày nay là do có một đợt trùng tu lớn vào năm 1889 (đời vua Thành Thái). Vì vậy đền thờ có kiến trúc đời nhà Nguyễn vào những năm đầu thế kỷ XX gồm các hạng mục công trình như: Tả – Hữu Mạc, Đại Bái, Hậu Cung. Một số hoa văn, linh vật được trang trí trong đình như: bờ nóc, đầu xà, điểm nối giữa các bộ vì, kèo, cột. Tượng Phùng Hưng được an toạ ở Hậu Cung, xung quanh đền có một số cây lấy gỗ, ăn quả đã có niên đại lâu đời như: lim, nhãn, đa…

Trong đền thờ có tấm bia Phùng tự bi ký ở đình Đoài Giáp được tạc vào năm Hồng Đức thứ 4 (1473) đã chép lại rất nhiều thông tin liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Ngài.

Ngoài ra, khu vực thôn Cam Lâm vẫn còn địa danh đồi Hổ Gầm, thôn Đoài Giáp có gò Bố Về – nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương. Ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân Đường Lâm và con cháu họ Phùng, du khách thập phương lại hội tụ về đây để tỏ lòng thành kính đối với ông.

Đền thờ và Lăng Ngô Quyền

Lăng Ngô Quyền: Cách đền Phùng Hưng khoảng 500 mét về phía bên trái. Lăng khá rộng rãi, trước mặt lăng là những cánh đồng lúa trải dài bát ngát, không khí mát mẻ, trong lành.

Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có tên là đồi Cấm, mặt hướng về phía đông. Đền thờ được xây ở phía trên, cách lăng khoảng 100m. Phía trước lăng là một cánh đồng rộng nằm giữa 2 sườn đồi; một nguồn nước gọi là vũng Hùm chảy ra sông Tích; bên cạnh đó là đồi Hổ Gầm, tương truyền xưa là nơi thuở nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, cắt cỏ và tập luyện võ nghệ. Đây có lẽ là vị trí đẹp nhất của ấp Đường Lâm xưa.

Đền thờ Ngô Quyền được xây dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần trùng tu. Lần tu sửa gần đây nhất là vào thời Vua Tự Đức (1848 – 1883). Đền có quy mô khá khiêm tốn, gồm: Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc, Đại Bái (Tiền Đường) và Hậu Cung.  Đền được xây bằng gạch, lợp ngói mũi hài, có tường bao quanh.  Đại Bái đền thờ là một ngôi nhà 5 gian, bộ khung bằng gỗ, được thể hiện chủ yếu thiên về sự bền chắc, tôn nghiêm; gian giữa có treo bức hoành phi đề bốn chữ Hán “Tiền vương bất vong” (Vua Ngô Quyền sống mãi). Hiện nay, Đại Bái còn được dùng làm phòng trưng bày về trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền. Hậu Cung là một ngôi nhà dọc 3 gian, bộ khung nhà bằng gỗ được trang trí hình rồng, hoa, lá… Gian giữa có đặt tượng thờ Ngô Quyền.

Lăng mộ Vua Ngô Quyền được xây dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874) và trùng tu năm Minh Mạng thứ 2 (1821). Lăng được xây kiểu nhà bia có mái che, cao khoảng 1,5m. Giữa lăng là ngai, trong có bia đá ghi bốn chữ Hán “Tiền Ngô Vương Lăng” (Lăng mộ Vua Ngô Quyền). Đặc biệt, trong quần thể đền và lăng Ngô Quyền, 18 cây duối cổ – tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi, ngựa – đã được công nhận là “Cây di sản” cấp quốc gia.

Hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Vua Ngô Quyền)  nhân dân trong vùng lại về đây để tưởng nhớ công ơn của ông – vị vua “đã mở nước xưng vương”, kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở đầu một thời đại mới, độc lập, tự chủ cho lịch sử dân tộc.

Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự)

Chùa Mía nằm ngay ở một ngã ba trên đường tới khu di tích lăng và đền, thờ bà chúa Mía, trong chùa có rất nhiều tượng được làm bằng đồng, gỗ hoặc đất sét, có không gian thanh tịnh và êm ả.

Dấu tích xưa của chùa là ngôi miếu nhỏ, đến đời Đức Long thứ 6 (1632), bà Ngô Thị Ngọc Diệu là phi tần trong phủ Chúa Trịnh Tráng, người làng Mía cùng bố mẹ và nhân dân trong vùng đã sửa sang ngôi chùa. Sau nhiều lần tu bổ, chùa mới có khuôn viên lớn như ngày nay.

Chùa được làm theo kiểu “Nội công – Ngoại quốc”, phía sau có thêm Hậu đường chia làm 3 phần nên nhìn rất bề thế, uy nghi, chùa có tất cả 27 gian trong ngoài ngang dọc tạo thành chữ “Mục”.

Theo sư cụ Đàm Cẩn, trụ trì chùa Mía, chùa được làm từ nhiều loại gỗ quý, chạm khắc công phu hình Tứ Linh, hoa lá cách điệu. Tượng Phật trong chùa không chỉ đặc sắc về hình dáng mà còn phong phú về số lượng. 287 pho tượng trong chùa là 287 khuôn mặt, dáng vẻ khác nhau và được bài trí thành cụm khép kín. Đẹp nhất là tượng Tuyết Sơn, Kim Cương, Bá Đại Hoà Thượng, Quan Âm Nam Hải, bà Chúa Mía… Một nửa tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng óng ánh, riêng tượng bà chúa Mía tạc bằng gỗ mít đặt trong khám gỗ ngay sát Tam bảo điện. Ngoài ra, trong chùa còn có nhiều động đắp rất cầu kỳ, sinh động như Nam Hải, Tây Trìu… Theo sư cụ Đàm Cẩn, do vẻ đẹp cổ xưa độc đáo và thanh tịnh hiếm có, ngày càng nhiều khách thập phương đến thăm viếng chùa.

Trong chùa còn có tòa tháp Cửu Phẩm Liên Hoa được xây dựng gần đây để thờ vọng Xá Lợi Đức Phật và cũng là ngọn bút kính thiên bổ túc và trấn giữ cho mạch văn ở làng quên Đông Sàng này.

ĐẶC SẢN ĐƯỜNG LÂM, Ăn gì ở Đường Lâm

Gà mía

Đây là một sản vật quý, thể hiện cho sự ăn nên làm ra, sự sung túc và đủ trong mỗi gia đình nên trước đây đây là món “đặc sản tiến Vua”. Hoặc chỉ những dịp Tết đến xuân về hay hội làng, lễ lạt, dân làng mới làm gà mía dâng lên tổ tiên. Đến nay gà mía không còn hiếm như xưa nhưng vẫn là một trong những sản phẩm nông nghiệp cao cấp, được thị trường ưa chuộng vì vị ngon đậm đà của nó. Gà mía có đặc điểm chân nhỏ, lông vàng, khi luộc chín tới thịt có màu trắng, mỡ vàng, da rất giòn nên khi đến với Đường Lâm, du khách thường sẽ được giới thiệu món gà mía trong các bữa ăn trưa tại đây.

Tương Chấm

Tương cũng có nhiều loại khác nhau như tương bần Hưng Yên, tương nếp Cự Đà nhưng mỗi loại có một hương vị riêng, tương Đường Lâm cũng vậy, tuy không rất nổi tiếng như những loại kể trên nhưng cũng là đặc sản hiếm có của vùng đấy.

Tương Đường Lâm không sản xuất kiểu rầm rộ như ở các địa danh khác nhưng cũng cầu kỳ lắm. Các nguyên vật liệu phải được lựa chọn cẩn thận, từng công đoạn làm phải chính xác, tỉ mỉ mới ra được một chum tương ngon. Ngay kể cả đến chum sành đựng tương cũng phải lựa chọn loại chum sành thật già, đánh và chum kêu loong coong mới được.

Đây là nghề cha truyền con nối ở đất Đường Lâm và rất nhiều gia đình ở làng vẫn còn giữ được nghề này để phục vụ cho chính nhu cầu của gia đình mình, sau mới là phục vụ nhu cầu của khác du lịch.

Đến với Đường Lâm, món ăn không thể thiếu là rau muống chấm tương hoặc cà dầm tương, hoặc có nhiều thời gian hơn thì chủ nhà có thể chế biến món thịt luộc dầm tương để đãi khách.

Bánh tẻ

Khi đi Du lịch Hà Nội bạn sẽ khó tìm thấy món ăn ngon này, nhưng tại Đường Lâm bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn dân giã độc đáo này. Bánh tẻ Đường Lâm cũng có những nét khác biệt so với các vùng khác. Bánh tẻ các nơi khác gói bằng lá chuối, hình khum khum nhưng ở đây gói bằng lá dong, có hình dáng thon dài và nhân trải đều dọc theo sống lá. Một vài nơi pha lẫn bột gạo nếp vào với bột gạo tẻ để bánh dẻo thơm nhưng ở Đường Lâm thì chỉ có bột gạo tẻ đúng với tên gọi của bánh. Bánh tẻ ở đây có mùi thơm của lá dong, không quá nhiều mùi dầu mỡ và không có mùi hành nên khi ăn bánh không ngán và có mùi vị khá mộc mạc.

Chè lam và kẹo dồi

Rất nhiều nhà cổ trong làng vẫn còn giữ được nghề làm kẹo này mà khi khách vào thăm nhà rất dễ dàng bắt gặp cảnh người nhà đang nấu kẹo chè lam hoặc đang cắt kẹo mời khách thưởng thức cùng với chén trà xanh. Ngay ở điếm canh cạnh đình làng Mông Phụ cũng có bà cụ bán nước chè xanh với chè lam, kẹo dồi nổi tiếng mà ngay khi tới đó khách du lịch đã sà vào hàng của cụ.

Ngay bên cạnh chùa Mía có một xưởng sản xuất chè lam và khách du lịch có thể mua mang về làm quà cho người ở nhà nhưng ngồi trong một ngôi nhà cổ, nhâm nhi chén nước chè tươi và thưởng thức một miếng chè lam hay kẹo dồi vừa ra lò mới là thú vị hơn cả.

ĐẶT ĂN TRƯA VÀ HOMESTAY Ở ĐƯỜNG LÂM

Thường khách du lịch tới Đường Lâm trong 1 ngày vì gần Hà Nội, dễ dàng đi lại. Nhưng gần đây để đáp ứng nhu cầu cho những người muốn ở lại cùng chậm rãi thưởng thức không khí làng quê ở nơi đây thì cũng có nhiều gia đình mở dịch vụ homestay.

  • Nhà ông Hùng: 04. 3260128
  • Nhà ông Phát: 0373204444
  • Nhà bà Hải Lợi: 0168. 511136
  • Homestay Đường Lâm: đây không phải nhà cổ, nhà xây kiểu giả cổ, cũng làm từ đá ong và các loại vật liệu thiên nhiên nhưng phòng đẹp như khách sạn 3-4 sao, giá khoảng 500k/phòng, ngay đường vào làng, chưa đến đình Mông Phụ. Đây là cái biển ở trước cửa nhà đó đấy ạ.
  • Nhà bà Dương Lan: 01664105180

Những gia đình này cũng phục vụ cơm trưa luôn nên các bạn có thể gọi điện để đặt trước, giá dao động dưới 100k/người.

Những gia đình này còn phục vụ khách thuê xe đạp để đi chơi xung quanh làng với giá 30-50k/ngày.

CÁC ĐIỂM THĂM QUAN CÓ THỂ KẾT HỢP VỚI ĐƯỜNG LÂM

Thành cổ Sơn Tây

Đến với xứ Đoài, du khách không thể bỏ qua Thành cổ Sơn Tây, được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Thành cổ Sơn Tây vốn được xem là tòa thành đá ong độc đáo nhất Việt Nam. Hiện nay tòa thành này còn gần như nguyên vẹn hệ thống tường thành nhưng cổng thành được sửa sang lại làm mất đi nét đẹp cổ kính vốn có của nó.

Thành nằm giữa thị xã Sơn Tây, trên phần đất của hai làng cổ là Thuần Nghệ và Mai Trai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 42 km. Thành có 4 cửa quay ra các hướng Bắc (chính xác là hướng Bắc Đông Bắc), Nam, Tây, Đông, và lần lượt có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu, có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành. Trục kiến trúc chính của thành là trục nối hai cửa Tiền và Hậu, theo hướng Bắc Đông Bắc – Nam Tây Nam. Cửa Tiền nhìn ra phố Quang Trung. Cửa Hậu hướng ra phố Lê Lợi (nơi đặt trụ sở Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây), thẳng tới bờ sông Hồng. Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ (phố Phùng Khắc Khoan). Cửa Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo (Đệ Nhị cũ), phố này nối với phố Ngô Quyền (Hữu Lợi cũ), chạy thẳng lên làng cổ Đường Lâm (theo đường quốc lộ 32).

Đền Và (Đông Cung)

Đền Và còn có tên khác là Đông Cung – một trong tứ cung nổi tiếng xứ Đoài, một thuộc phường Trung Hưng. Từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ khu vực đền toạ lạc trên một quả đồi thấp được bao bọc bởi hàng trăm cây lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng hàng chục loài cây lấy gỗ khác bốn mùa xanh tươi.

Quả đồi thấp này có hình con rùa đang bơi ra phía mặt trời mọc. Xung quanh đền là những cánh đồng – nơi được tưới mát bởi dòng sông Hồng và sông Tích huyền thoại.

Đền Và là nơi thờ có quy mô lớn nhất trong gần 200 di tích ở vùng xứ Đoài thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn – một trong tứ bất tử của người Việt (cùng Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh).

Đền được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, mang đậm bản sắc kiến trúc phương đông. Quần thể Đền Và gồm các công trình như: Nghi Môn, lầu Cô Chín, sân Long hoá, Gác Chuông, Gác Trống, Tả – Hữu mạc, Tiền Tế, Thượng Điện, Hậu Cung, Nhà kho, Nhà kiệu. Các hạng mục công trình được sử dụng các loại vật liệu quý như gỗ lim, gạch đá ong, gạch Bát Tràng, ngói mũi ri. Nhiều linh vật quý được trang trí như: bộ tứ linh (long – ly – quy – phượng), tứ quý (tùng – cúc – trúc – mai), hoa sen, hoa lan; các bức trạm bong, trạm nổi cách điệu, thể hiện bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ, lòng thành kính của muôn triệu người Việt với các bậc Thánh nhân tiên tổ.

Trải qua mấy thế kỷ, đền Và qua 3 lần tu sửa lớn: 1829 (đời Vua Minh Mạng thứ 10) – sửa mang tính chất tu tạo, năm 1902 (đời Vua Thành Thái thứ 14) – sửa chữa mang tính chất đại tạo và năm 1932 (đời Vua Bảo Đại thứ 7) – sửa chữa mang tính chất tu tạo.

Hiện trong đền lưu giữ nhiều di vật quý, gồm 18 đạo sắc phong, 18 bức hoành phi, 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 biển gỗ, 5 bản thần tích, 47 câu đối được viết trên vách, cột, trên gỗ và trong ngọc phả, 6 pho tượng cổ.

Lễ hội ở đền diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17 tháng Giêng âm lịch, Cứ 3 năm 1 lần – năm âm lịch (Tý – Ngọ – Mão – Dậu), chính quyền địa phương và nhân dân hai vùng: Sơn Tây – Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) mở hội chính, có rất đông nhân dân của 8 làng, khu phố tham gia. Lễ hội đền Và được coi là lễ hội vùng lớn nhất.

Đền Măng Sơn

Đền Măng Sơn là đền cổ thờ Đức Thánh Tản Viên của cả tổng Tường Phiêu xưa. Tương truyền rằng Đức Tản Viên từ núi Ba Vì đi thăm thú các nơi. Một hôm, ngài đến đất Sơn Đông, thấy cảnh sắc nên thơ, nhân dân đôn hậu, đời sống lại khá giả, liền ở lại, cho lập một cung điện ở đồi Măng Sơn .Nhân dân quanh vùng học được nghề săn bắt của ngài nên nhiều người săn bắt chim muông rất giỏi. Sau ngày ngài rời quê hương, dân làng nhớ công lao lớn đó, lập đền thờ và tổ chức lễ hội hàng năm ở đền Măng Sơn. Hội đền Măng Sơn từ ngày mồng 6 đến mồng 12 tháng Giêng.

Các điểm tham quan khu vực Ba Vì

Ngoài những điểm tham quan kể trên, các bạn có thể kết hợp với các điểm tham quan ở Ba Vì để trở thành một chuyến du lịch dài ngày.

LỊCH TRÌNH GỢI Ý DU LỊCH ĐƯỜNG LÂM 1 NGÀY

7:00: xuất phát từ Hà Nội theo đường 21

8:30: tham quan Đền Và

9:30: có mặt ở Đường Lâm

9:30-11:30: tham quan Cổng làng Mông Phụ, Đình Làng Mông Phụ, các nhà cổ, nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh.

11:30: ăn trưa

13:30: tham quan Đền thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền, chùa Mía

15:30: tham quan Thành cổ Sơn Tây

17:00: đi về Hà Nội theo đường 32

Nếu các bạn muốn đi thong thả hơn có thể chỉ lựa chọn 1 trong 2 điểm đến là Thành cổ Sơn Tây hoặc Đền Và.

LƯU Ý CẦN THIẾT

  • Khi vào làng cần mua vé ở quầy vé ngay cổng làng, giá vé 20k/người, không nhiều nhưng thể hiện tính trách nhiệm của cá nhân với các khu vực di tích.
  • Tham quan Đường Lâm thích hợp nhất là đi bộ hoặc đi xe đạp vì bạn có thể đi vào từng ngõ ngách của làng mà không phá vỡ sự tĩnh lặng, yên bình của những ngôi nhà cổ nơi đây. Ngoài ra, việc đi xe máy đến mỗi điểm tham quan bạn sẽ phải gửi xe khá cách rách và tốn nhiều tiền gửi xe. Ở một số điểm sẽ chả có người ghi số giữ xe đâu nhưng đến khi các bạn đi ra sẽ có người chạy ra thu tiền.
  • Ở một số điểm tham quan có người của ban quản lý di tích (đeo thẻ) sẽ giới thiệu về địa điểm đó cho các bạn, việc đưa tiền tips không bắt buộc nhưng những ông lão đó khá nhiệt tình giải thích cho các bạn nên chúng ta cũng nên đáp lại sự nhiệt tình của họ.
  • Nếu các bạn muốn sử dụng các dịch vụ như đặt ăn trưa, homestay mà chưa liên hệ trước thì nên tìm địa điểm liên hệ trước rồi hãy đi chơi vì thường những gia đình này khi các bạn đặt mới bắt đầu làm cơm.
  • Khi vào tham quan các nhà cổ, các bạn nhớ chào những người trong gia đình, xin phép một cách lịch sự, họ sẽ rất nhiệt tình đón tiếp các bạn. Nếu muốn mua gì làm quà cho người ở nhà thì các bạn có thể mua ngay ở những gia đình này thay vì ngoài chợ.
Phát Art:
Related Post