X

Những giai đoạn thăng trầm và những giá trị nghệ thuật của làng nghề sơn mài Hạ Thái

  Ở Việt Nam có rất nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, trong đó có làng nghề sơn mài Hạ Thái rất nổi tiếng. Theo nhiều tài liệu ghi chép thì làng nghề sơn mài Hạ Thái tồn tại từ thế kỷ 16.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Làng nghề này cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử.

Giai đoạn thăng trầm của làng nghề sơn mài Hạ Thái

 

Làng nghề sơn mài Hạ Thái

 

Khi thực dân Pháp còn đô hộ nước ta, những sản phẩm sơn mài được rất ít người thưởng thức, mà người ta thích những tác phẩm sơn dầu hơn. Thời buổi đó nghề sơn mài gần như bị lãng quên.
Tới khi đất nước thống nhất, do ngoại thương chưa phát triển nên nghề sơn mài chưa được bạn bè quốc tế biết đến mà chỉ duy trì trong nước với sự thưởng thức của rất ít người. Cũng chính vì vậy mà nhiều nghệ nhân sơn mài phải đổi nghề để kiếm sống.
Sau này khi đất nước phát triển hơn, nghề sơn mài lại được vực dậy bởi các nghẹ nhân có lòng say mê truyền thống của cha ông. Đến nay sơn mài Hạ Thái đã được rất nhiều bạn bè trong nước và quốc tế biết đến như Pháp, Nhật, Đức, Ý…Hiện nay làng nghề sơn mài Hạ Thái có trên 400 hộ làm nghề, và sơn mài cũng là nghề chính của họ.

Giá trị nghệ thuật của sơn mài

 

Các nghệ nhân đang trang trí cho tác phẩm sơn mài của mình

Sơn mài là một chất liệu đặc trưng của Việt Nam, đó là cây sơn ta- một loại cây sơn chỉ mọc ở Phú Thọ. Loại cây này có nhựa rất độc, trong quá trình pha chế sơn mà không cẩn thận sẽ bị “nhựa ăn” gây lở loét da. Chính vì thế mà công đoạn pha chế sơn mài quyết định kết quả thành-bại của sản phẩm. Công đoạn này đòi hỏi người thợ thủ công phải cẩn thận, khéo léo, kiên nhẫn.

Để tạo nên một tác phẩm sơn mài người nghệ nhân phải thực hiện nhiều công đoạn. Công đoạn làm vóc là công đoạn đầu tiên, người nghệ nhân sẽ phải mài mịn lớp gỗ được chít bằng sơn và mùn cưa sau đó cho tấm vóc vào phòng kín có độ ẩm thích hợp để ủ. Sau khi ủ, tấm vóc sẽ được quét thêm một lớp sơn nữa để tạo độ bền và bóng, cả thảy có 12 lớp sơn để sản phẩm sơn mài không bị bong tróc, phai màu.

 

Lọ hoa sơn mài

Bước tiếp đến là trang trí cho sản phẩm sơn mài. Tùy mỗi tác phẩm và sở thích người nghệ nhân sẽ vẽ và gắn vỏ trứng hay vỏ trai, xà cừ…cho tác phẩm của mình. Đặc biệt ở khâu khảm trứng, vỏ trứng phải là trứng gà hoặc vịt đã nở ra khỏi vỏ kéo theo lớp màng mỏng rồi, lúc này vỏ trứng mới có thể hút sơn và bám chắc vào sản phẩm. Chất liệu vỏ trứng phải được gắn đầu tiên vì sau mỗi lớp mài, vỏ trứng lại mang một màu sắc khác.

Sau cùng là công đoạn mài và đánh bóng. Khi mài người nghệ nhân dùng than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối hay đá gan gà…Mõi một tác phẩm sơn mài sau khi được mài và đánh bóng sẽ cho ra màu sắc mà đến cả người nghệ nhan cũng phải bất ngờ bởi tính ngẫu nhiên của sơn mài.

Hơn 200 năm không phải là quãng thời gian dài so với một làng nghề truyền thống ở Việt Nam, nhưng làng nghề sơn mài Hạ Thái đã đem đến cho nền nghệ thuật nước nhà những tác phẩm, những giá trị lịch sử sâu sắc, ở đó luôn có những con người vẫn một lòng đeo bám nghề cổ truyền của cha ông và đang từng ngày đưa nghề sơn mài lên một tầm cao mới.

 

Dola:
Related Post